HOTLINE : 1900 6446

Hỗ trợ khách hàng
1
Để mở tài khoản giao dịch Chứng khoán Phái sinh tại FPTS, tôi cần phải làm những thủ tục gì?

Để mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, Quý khách cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết dưới đây và đến Trụ sở/chi nhánh và phòng giao dịch của FPTS để mở tài khoản giao dịch Chứng khoán Phái sinh:

Khách hàng cá nhân

  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân

Khách hàng tổ chức

  • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng)
  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người Đại diện theo pháp luật

Lưu ý: Khách hàng cần mở đồng thời Tài khoản giao dịch Chứng khoán Cơ sở khi mở Tài khoản giao dịch Chứng khoán Phái sinh.

2
Tôi muốn nộp tiền vào Tài khoản giao dịch Chứng khoán phái sinh tại FPTS thì thực hiện như thế nào? Nếu có tiền trong Tài khoản giao dịch Chứng khoán cơ sở, muốn chuyển tiền sang Tài khoản giao dịch Chứng khoán Phái sinh thì tôi phải làm gì?

Quý khách có thể nộp/chuyển tiền vào Tài khoản giao dịch Chứng khoán phái sinh tại FPTS bằng một trong các hình thức sau:

Trường hợp Quý khách đang có tiền trong Tài khoản giao dịch Chứng khoán cơ sở và muốn chuyển sang Tài khoản giao dịch Chứng khoán phái sinh, Quý khách thực hiện giao dịch chuyển tiền trực tuyến qua trang đặt lệnh: https://eztrade.fpts.com.vn bằng một trong hai cách sau:

♦ Cách 1: Thực hiện tại màn hình giao dịch chứng khoán cơ sở

- Tại màn hình Giao dịch chứng khoán cơ sở chọn mục Chuyển tiền sau đó chọn Chuyển tiền ký quỹ CK Phái Sinh

- Số tiền: Nhập số tiền cần chuyển (Không được lớn hơn Số dư tối đa có thể thực hiện)

- Chọn Thực hiện để xác nhận lệnh

♦ Cách 2: Thực hiện tại màn hình giao dịch chứng khoán phái sinh

Quý khách vào Menu Dịch vụchọn Giao dịch chứng khoán phái sinh

- Tại màn hình EzFutures vào Menu Chuyển tiền chọn Nộp tiền vào TK phái sinh (từ CKCS)

- Số tiền thực hiện: Nhập số tiền muốn chuyển (Không được lớn hơn Số dư tối đa có thể thực hiện)

- Chọn Thực hiện để xác nhận lệnh

♦ Lưu ý

- Thời gian thực hiện giao dịch trực tuyến: 0h-15h45 ngày làm việc.

3
Tôi nộp tiền vào tài khoản chứng khoán phái sinh nhưng ghi sai/thiếu nội dung nộp tiền, tôi phải làm gì?

Trong trường hợp Quý khách ghi sai/thiếu nội dung nộp tiền, xin vui lòng thực hiện Tra soát giao dịch:

1. Trường hợp ghi sai hoặc thiếu 1 trong 2 nội dung nộp/chuyển tiền: Số tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc Họ tên chủ tài khoản, xin vui lòng thực hiện Tra soát giao dịch theo hướng dẫn tại đây

2. Trường hợp ghi thiếu hoặc sai cả 2 nội dung nộp/chuyển tiền: Số tài khoản chứng khoán và Họ tên chủ tài khoản chứng khoán, xin vui lòng thực hiện Tra soát giao dịch theo hướng dẫn tại đây

4
Tôi đóng vị thế, muốn rút tiền mặt/chuyển tiền về tài khoản ngân hàng tôi phải làm gì? Và số tiền có thể rút/chuyển là bao nhiêu?

Quý khách đóng vị thế muốn rút tiền mặt/chuyển khoản từ tài khoản Giao dịch Chứng khoán Phái sinh (CKPS) về tài khoản ngân hàng của mình xin vui lòng thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Rút tiền từ tài khoản ký quỹ tại VSD về tài khoản CKPS tại FPTS theo hướng dẫn tại đây
  • Bước 2: Rút tiền từ tài khoản CKPS về tài khoản Chứng khoán Cơ sở (CKCS) theo hướng dẫn tại đây
  • Bước 3: Rút tiền mặt/chuyển tiền từ tài khoản CKCS sang tài khoản ngân hàng của khách hàng theo hướng dẫn tại đây

Quý khách có thể rút toàn bộ số dư tiền hiện có trên tài khoản phái sinh 

5
Tỷ lệ ký quỹ ban đầu cho Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được tính toán dựa trên cơ sở nào?

Việc tính toán tỷ lệ ký quỹ ban đầu của Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được thực hiện bởi Trung tâm Bù trừ dựa trên ước tính về mức độ thay đổi trong một ngày của giá Hợp đồng tương lai. Các Công ty Chứng khoán có thể quy định tỷ lệ ký quỹ ban đầu cao hơn hoặc bằng tỷ lệ ký quỹ quy định. Trung tâm Bù trừ có thể tăng hoặc giảm tỷ lệ này tùy vào điều kiện thị trường và tình hình thực tế giao dịch vào bất kỳ thời điểm nào.

6
Thế nào là “Bán khống” hợp đồng tương lai?

“Bán khống” là hoạt động bán tài sản mà người bán khống không sở hữu. Khi thực hiện bán khống, người bán dự đoán giá tài sản sẽ giảm, do đó tài sản thường được “mượn” từ một người khác và bán với kỳ vọng sẽ mua lại trong tương lai với mức giá thấp hơn để thu được lợi nhuận.

7
Quy mô Hợp đồng tương lai được tính như thế nào?

Giống như giá của mỗi cổ phiếu, quy mô của mỗi Hợp đồng tương lai sẽ cho biết giá trị đầu tư mà nhà đầu tư đang tham gia là bao nhiêu. Quy mô hợp đồng sẽ được tính theo công thức:

Quy mô hợp đồng = Giá tài sản cơ sở * Hệ số nhân

* Ví dụ: Chỉ số VN30 ở mức 900 điểm, hệ số nhân do Sở GDCK quy định là 100.000 đồng. Như vậy, quy mô mỗi hợp đồng tương lai VN30 sẽ là 90 triệu đồng.

8
Tại sao Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 lại có ngày đáo hạn? Vào ngày đáo hạn của Hợp đồng thì điều gì sẽ xảy ra?

Khác với cổ phiếu, mỗi Hợp đồng tương lai chỉ số đều có một ngày đáo hạn mà vào cuối ngày đó thì hợp đồng sẽ ngừng giao dịch và chuyển thành thanh toán bằng tiền mặt. Khách hàng có thể mua hoặc bán các hợp đồng này cho đến ngày giao dịch cuối cùng (cũng chính là ngày đáo hạn hợp đồng). Vào ngày đáo hạn, toàn bộ các vị thế đang mở của hợp đồng đáo hạn sẽ được coi là đóng vào cuối ngày và toàn bộ lãi lỗ sẽ được thanh toán vào tài khoản của nhà đầu tư vào ngày hôm sau.

Với Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, ngày đáo hạn Hợp đồng được quy định là ngày thứ Năm tuần thứ ba của tháng đáo hạn hợp đồng. Tại bất kỳ thời điểm nào cũng có 4 hợp đồng tương lai chỉ số đang được giao dịch, với các tháng đáo hạn lần lượt là: tháng hiện tại, tháng kế tiếp, tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.

Ví dụ: Khách hàng Nguyễn Văn A đang có vị thế mua 1 hợp đồng VN30F1903. Hợp đồng này có ngày đáo hạn là 21/03/2019. Vào ngày 21/03/2019, khách hàng A có thể lựa chọn tiếp tục giữ vị thế mua hợp đồng tương lai. Nếu khách hàng A không thực hiện giao dịch đóng vị thế, thì đến hết ngày 21/03/2019, vị thế mua 1 hợp đồng chỉ số VN30 tháng 03/2019 mà A đang nắm giữ được coi là đóng vào cuối ngày, và khách hàng A không còn nắm giữ vị thế hợp đồng tương lai VN30F1903 từ ngày 22/03/2019 trở đi.

9
Vào ngày đáo hạn của hợp đồng nếu tôi không đóng vị thế thì giá thanh toán sẽ tính như thế nào?

Vào ngày đáo hạn của hợp đồng nếu Quý khách không đóng vị thế, Hợp đồng sẽ tự thanh toán theo giá đóng cửa của chỉ số VN30 cơ sở.

Ví dụ: Hợp đồng VN30F1806, ngày đáo hạn là 21/06/2018. Trong ngày, Quý khách đặt lệnh mua hợp đồng VN30F1806 giá 957.

  • Giá Hợp đồng VN30F1806 cuối phiên đóng cửa giá: 954
  • Chỉ số VN30 cuối phiên ATC ngày 21/6/2018: 955.75

Nếu Quý khách đặt bán giá ATC: Hợp đồng sẽ thanh toán lãi lỗ theo giá đóng cửa 954

Nếu Quý khách không đóng vị thế: Hợp đồng sẽ thanh toán lãi lỗ theo chỉ số VN30 là 955.75.

10
Tại sao giá hợp đồng tương lai chỉ số VN30 khác với chỉ số VN30 hiện tại? Có khi nào hai mức giá này bằng nhau không?

Chênh lệch giữa giá Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (giá tương lai) và chỉ số VN30 (giá hiện tại) chủ yếu do "chi phí lưu trữ" giữa hai thời điểm. Nguyên nhân là để mua được một rổ cố phiếu tương đương gồm 30 cổ phiếu cấu thành trong VN30 theo tỷ lệ tương ứng, Khách hàng sẽ phải bỏ ra một số tiền ban đầu và do đó phải chịu một khoản chi phí lãi vay trên số tiền bỏ ra. Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong danh mục VN30 có thể chi trả cổ tức và tạo ra thu nhập cho người đang nắm giữ. Dòng cổ tức này có thể bù đắp phần nào chi phí lãi vay đã phát sinh. Tại Việt Nam thì chi phí lãi vay thường cao hơn cổ tức thực nhận, do đó “chi phí lưu trữ” thường có giá trị dương.

Do người mua Hợp đồng tương lai không phải chịu chi phí lưu trữ phát sinh từ việc mua rổ cổ phiếu và giữ đến ngày đáo hạn, họ sẽ chấp nhận chi trả khoản chênh lệch tương đương chi phí này cho người bán. Độ lớn của khoản chênh lệch giữa giá hợp đồng tương lai và chỉ số hiện tại phụ thuộc vào lãi suất vay, tỷ suất cổ tức của rổ chỉ số, và thời điểm đáo hạn hợp đồng.

Càng gần đến ngày đáo hạn, giá hợp đồng tương lai chỉ số sẽ tiến gần đến mức chỉ số trên thị trường cơ sở. Tại ngày đáo hạn thì hai mức giá này sẽ bằng nhau theo quy định về giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số tại thị trường Việt Nam.